Trang

24.11.08

SỐNG LỜI CHÚA QUA NĂM PHỤNG VỤ CỦA GIÁO HỘI


(Linh Mục Anphong Trần Đức Phương)

Danh từ 'Phụng Vụ' (Tiếng Anh gọi là 'Liturgy', từ tiếng Hy Lạp là 'Leitourgia' 'việc thờ phượng chung') để chỉ việc thờ phượng Thiên Chúa có tính cách phổ quát chung cho toàn thể Giáo Hội: Việc dâng Thánh lễ và đọc các giờ Kinh Phụng vụ hàng ngày của các Linh mục là việc Phụng Vụ có tính cách phổ quát cho toàn thể Giáo hội. Thí dụ, một linh mục, khi bị tù đày trong trại lao động, dù kín đáo dâng Thánh Lễ riêng một mình, hoặc đọc Sách Nguyện riêng một mình, vẫn có tính cách phụng vụ phổ quát, đại diện toàn thể Giáo Hội Chúa.

Năm Phụng Vụ của Giáo Hội là chu kỳ phụng vụ thờ phượng Chúa và sống Lời Chúa trong suốt một năm.

Năm Phụng Vụ của Giáo Hội bắt đầu từ Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng (Thường vào đầu tháng 12; đôi khi là cuối tháng 11) để chuẩn bị mừng Đại lễ Giáng Sinh. Mùa Vọng trước đây thường được gọi là mùa Áp (Tiếng Anh là Advent, từ tiếng Latinh Adventus); bây giờ gọi là Mùa Vọng, mùa mong chờ Chúa đến. Tiếp theo Mùa Vọng là Mùa Giáng Sinh. Mùa Giáng Sinh chấm dứt với Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa. Sau Mùa Giáng Sinh, tiếp vào Mùa Quanh Năm I (Mùa Quanh Năm cũng gọi là Mùa Thường Niên). Mùa Quanh Năm I bắt đầu từ Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, và chấm dứt với tuần lễ V (hoặc VII) thường niên; sau đó bắt đầu vào Mùa Chay để chuẩn bị mừng Đại Lễ Phục Sinh. Mùa chay bắt đầu từ Thứ Tư Lễ tro; tiếp theo là Tam Nhật Vượt Qua (Thứ Năm, Thứ Sáu, Thứ Bảy Tuần Thánh), rồi Chúa Nhật Phục Sinh. Mùa Phục Sinh kéo dài cho đến Chúa Nhật Lễ Hiện Xuống. Sau đó bắt đầu Mùa Quanh Năm II. Mùa Quanh Năm II kéo dài cho đến hết tuần lễ 34 quanh năm và chấm dứt một năm phụng vụ của Giáo hội, để bước vào một Năm Mới của phụng vụ với Chúa nhật I Mùa vọng.

Qua một năm Phụng Vụ của Giáo Hội như vậy, chúng ta đã có những dịp để tôn thờ và sống Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi: Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần. Chúng ta cũng có dịp sống lại những biến cố trong suốt cuộc đời trần gian của Chúa Giêsu Kitô, từ việc Ngài giáng sinh trong hang đá Bê lem, lớn lên, ra đi rao giảng, chịu khổ nạn và chịu chết trên Thập Giá, sống lại và lên Trời vinh hiển để mở đường cứu rỗi cho chúng ta. Trong suốt năm Phụng Vụ, Giáo Hội cũng có những ngày lễ đặc biệt kính Đức Mẹ Maria, các Thiên Thần, và các Thánh, là những vị đã được thưởng công trên Nước Chúa, và hằng thương yêu phù trợ, và chuyển cầu cho chúng ta. Lịch Phụng Vụ Giáo Hội cũng hằng nhớ đến các linh hồn nơi luyện tội; đặc biệt vào tháng 11 (tháng cuối cùng của niên lịch Phụng Vụ) và Lễ cầu cho các linh hồn ngày 2 tháng 11 hằng năm.

Khi chúng ta đi dâng Lễ Ngày Chúa nhật, hay ngày thường, chúng ta được nuôi dưỡng tâm hồn bằng lời Chúa (trước khi được nuôi dưỡng bằng Mình và Máu Thánh Chúa qua việc Rước Lễ). Trong ngày Chúa Nhật (và Lễ Trọng) có bài đọc I , bài đọc II và Bài Phúc Âm (Tin Mừng). Ngày thường thì có Bài Đọc I và Bài Phúc Âm.

Để khi đi dâng Thánh Lễ, qua việc nghe các Bài Đọc, chúng ta có thể được nghe tổng quát toàn bộ Lời Chúa trong Kinh Thánh Cựu ước và Tân ước, Giáo Hội chia các Bài Đọc theo chu kỳ năm A, Năm B và Năm C; còn ngày thường thì chia ra năm chẵn (2008…) và năm lẻ (2009…). Trong năm Phụng Vụ vừa qua (2008), chúng ta theo chu kỳ Năm A. Bắt đầu từ Chúa Nhật I Mùa Vọng này (30-11-2008), chúng ta bước sang năm Phụng Vụ mới, và bắt đầu theo chu kỳ năm B.

Để có thể được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và sống Lời Chúa trong việc thánh hóa bản thân, khi đi dâng lễ chúng ta cần biết 'lắng nghe và suy ngẫm Lời Chúa.' Vì thế những người đọc Lời Chúa phải được huấn luyện để có thể đọc lời Chúa với cả tâm hồn của mình (thường gọi là đọc có hồn), đọc thong thả và rõ ràng để cộng đoàn có thể dễ dàng lắng nghe và cảm nghiệm được Lời Chúa đi vào tâm hồn của mình. Riêng Bài Phúc Âm luôn phải do Thầy Phó Tế đọc (nếu có mặt) hoặc chính Linh mục chủ tế, hoặc đồng tế đọc.

Nhiều Bài đọc và bài Phúc âm chúng ta đã nghe thật nhiều lần, và rất quen thuộc, vừa đọc mấy dòng đầu chúng ta đã biết ngay bài đó nói về chuyện gì; tuy nhiên, vẫn phải đọc thật thong thả với cả tâm hồn của mình để có thể truyền đạt được Lời Chúa vào chính tâm hồn mình và mọi người trong Nhà Thờ. Tất nhiên bài giảng (Bài chia sẻ) tiếp theo sẽ giúp chúng ta dể hiểu và dễ lĩnh nhận Lời Chúa hơn . Tuy nhiên lúc chúng ta đọc hoặc lắng nghe Lời Chúa chính là lúc rất quan trọng, vì lúc đó chính Lời Chúa tác động thẳng vào tâm trí chúng ta và ban ơn thánh hóa. Vì thế đọc vội vàng, đọc cho xong (nhất là khi thấy bài hơi dài, hoặc quá quen thuộc) đều làm sai ý hướng của phụng vụ Lời Chúa . Nói chung, Thánh Lễ đã được phân chia ra từng phần rất quân bình, và phải được cử hành một cách thong thả và trang trọng, kể ngay từ việc làm "Dấu Thánh Giá" để bắt đầu Thánh Lễ. Những điều này chúng tôi hy vọng sẽ có dịp trình bày đầy đủ hơn trong bài 'Cùng Dâng Thánh Lễ'. Chúng tôi cũng hy vọng sẽ có dịp viết và gửi đến quý vị những bài chia sẻ Lời Chúa hàng tuần về mỗi Chúa Nhật.

Xin hiệp lời cầu nguyện chung để chúng ta cùng chuẩn bị tâm hồn xứng đáng bước vào Năm Mới của Phụng vụ Giáo hội với Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng năm nay.

---------------------------------------


FATIMA VÀ NHỮNG LỜI CẢNH BÁO RÙNG RỢN

Những ngày vừa qua, hẳn nhiều người đã nhận được một file powerpoint bằng tiếng Pháp cùng với bản dịch tiếng Việt, dưới tựa đề là “Lời Tiên Báo thứ ba - Bí mật Fatima”. Những lời trong văn bản gợi lên hình ảnh rất rùng rợn của một đại họa sắp xảy ra, tương tự như một ngày tận thế.

Ngay sau đó, nhiều người báo cho biết rằng đấy là một ‘lời tiên báo giả mạo’. Cũng lưu ý rằng bản tiếng Pháp được thực hiện cách đây ba năm và bản dịch thì mới xuất hiện năm nay (từ 1917 đến nay là 88 năm trong bản tiếng Pháp so với 91 năm trong bản dịch tiếng Việt).

Trước hết, không hề có ‘Lời tiên báo thứ ba’, mà chỉ có phần thứ ba của ‘bí mật’ Fatima mà thôi. Kế đến, phần thứ 3 này đã được Đức Gioan Phaolô II cho phép công bố. Ngày 26-06-2000, Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin đã phổ biến văn kiện “Message of Fatima” (1), ghi lại toàn bộ ‘phần 3’ của bí mật Fatima, cùng với những bình luận thần học của bộ trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, mà hiện nay là Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI.

I - Bí Mật Fatima: Phần 3.

Sau đây là bản dịch nguyên văn phần thứ 3 của sứ điệp Fatima, do chính tay chị Lucia viết vào ngày 3-1-1944.

“J.M.J. (Giêsu Maria Giuse)

Phần thứ ba của bí mật được mặc khải vào ngày 13-07-1917, tại Cova de Iria - Fatima.

Con viết lại vì đức vâng phục đối với Chúa, lạy Chúa, là Đấng truyền lệnh cho con qua Đức Cha giáo phận Leira và qua Mẹ thánh của Chúa, cũng là Mẹ của con.

Sau hai phần con đã trình bày, thì ở bên trái của Đức Mẹ và cao hơn một chút, chúng con thấy có một vị Thiên Thần cầm một lưỡi gươm lửa nơi tay trái; gươm lấp lánh và toát ra những ngọn lửa như muốn đốt cháy thế giới; tuy nhiên, những ngọn lửa ấy đã tắt đi khi chạm đến hào quang quanh bàn tay phải của Đức Mẹ hướng xuống thế gian. Vị thiên thần, tay phải chỉ xuống trái đất, kêu lớn tiếng rằng: “Ăn năn! Ăn năn! Ăn năn!”. Rồi chúng con thấy trong một ánh sáng mênh mông là Thiên Chúa (giống như người ta nhìn thấy khi đi ngang qua một tấm gương) một vị giám mục mặc Áo Trắng (mà chúng con có linh cảm đó là Đức Thánh Cha). Nhiều Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ nam nữ khác đang tiến lên một ngọn núi cheo leo, mà trên đỉnh có một cây Thập Giá lớn làm bằng những thân cây thô, giống như cây điên điển với lớp vỏ bọc ngoài; trước khi đến đấy, Đức Thánh Cha đã băng qua một thành phố lớn, mà một nửa điêu tàn và một nửa đang sụp đổ; bước chân ngài xiêu vẹo, vì đau đớn và u sầu, Ngài cầu nguyện cho các linh hồn của những thi hài Ngài gặp thấy trên đường đi; khi lên đến đỉnh núi, ngài quì dưới chân cây Thập Giá lớn, bấy giờ Ngài đã bị giết, do một nhóm lính bắn nhiều phát bằng một vũ khi nả đạn và tên; rồi lần lượt các vị Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ nam nữ cùng với giáo dân thuộc nhiều giai cấp và thành phần xã hội khác nhau cũng chết. Dưới hai cánh Thập Giá có hai Thiên Thần, mỗi vị cầm trong tay mình một bình tưới bằng pha lê để hứng lấy máu của các vị Tử Đạo và hai vị dùng máu ấy tưới lên những linh hồn tiến gần đến Thiên Chúa.

Tuy - 3 - 1 - 1944”

Tiếp theo đây là một đoạn trích dẫn bài bình luận của Đức Hồng Y Ratzinger:

“Vậy thì một câu hỏi được đặt ra: Ý nghĩa của ‘Bí mật Fatima’ trong toàn bộ (cả 3 phần) là gì? Bí mật ấy nói gì với chúng ta? Trước tiên, tất cả chúng ta phải khẳng định như đức Hồng Y Sodano: “… những sự kiện mà ‘bí mật’ Fatima nhắc đến dường như đã thuộc về quá khứ”. Như thế, nếu xét theo các biến cố được mô tả, thì chúng đã thuộc về quá khứ rồi. Những ai chờ đợi các mặc khải cánh chung về ngày tận thế hoặc tiến trình tương lai của lịch sử buộc phải thất vọng thôi. Fatima không thoả mãn tính hiếu kỳ của chúng ta theo cách đó; cũng như đức tin Kitô giáo nói chung không thể giản lược thành một đối tượng của lòng tò mò mà thôi. Điều còn lại thì đã rõ ràng, khi ta bắt đầu suy tư về bản văn của ‘bí mật’ ấy: đó là lời kêu gọi cầu nguyện như một con đường ‘cứu rỗi các linh hồn’, và lời kêu gọi ăn năn hoán cải cũng nhằm mục đích đó.

Cuối cùng, tôi muốn nói đến một câu trong ‘bí mật’ đã trở thành nổi tiếng một cách chính đáng: “Trái tim Vô Nhiễm của Mẹ sẽ thắng”. Câu này có nghĩa là gì? Một trái tim mở ra đối với Thiên Chúa, được tinh luyện nhờ chiêm ngắm Chúa, trái tim ấy thì mạnh hơn bất cứ loại súng đạn và vũ khí nào. Tiếng Fiat của Đức Mẹ, tiếng nói xuất phát từ trái tim Mẹ, đã thay đổi dòng lịch sử nhân loại, vì tiếng ấy đã đem Đấng Cứu Độ đến cho nhân loại - bởi vì, nhờ tiếng ‘Xin Vâng’ ấy, Thiên Chúa trở nên người phàm trong thế giới này và ở lại với chúng ta cho đến mãi mãi.”

II. Tận thế vào năm 2012

Tài liệu ‘bí mật thứ ba’ kêu gọi chuẩn bị cho ngày ‘tận thế’ đó, và vì đấy là một lời phán của Đức Mẹ, nên không cần một lý chứng ‘khoa học’ nào. Cho đến nay, chưa thấy ai đưa ra luận cứ nào để biện minh cho những lời trên; tuy nhiên, ngay từ bây giờ tôi cũng muốn nêu trước những cái gọi là ‘bằng chứng khoa học’ mà mai này có người sẽ dựa vào mà bảo vệ cho cái ‘bí mật Fatima’ giả tạo đó, và làm cho tín hữu hoang mang.

Cách đây vài năm xuất hiện một nguồn tin ở phương tây - và một ngày gần đây hẳn sẽ rộ lên ở Việt Nam - cho rằng tận thế sẽ rơi đúng vào ngày 21-12-2012, lúc 11g11. Nếu vào google mà đánh “Apocalypse 2012” thì sẽ tìm thấy 67.100 bài, còn “fin du monde 2012” thì có 11.300 bài nói về đề tài này.

Chỉ cần click vào địa chỉ http://www.2012fin.com bạn sẽ thấy hiện lên chính xác số ngày, giờ, phút, giây còn lại cho đến ngày tận thế! Khi tôi viết bài này thì thời gian còn lại là 1486 ngày, 21 giờ, 08 phút, 31 giây; và khi bạn đọc bài này thì thời gian còn ít hơn nữa!

Trong các tài liệu trên, nhiều ‘nhà khoa học’ đã dựa vào các nguồn khác nhau để biện minh cho biến cố ‘tận thế’ hoặc một biến cố rùng rợn tương tự như thế.

1. Lịch Maya: Dân Maya - Trung Mỹ - có một bộ lịch được thực hiện cách đây gần 5000 năm. Lịch này tiên báo chính xác các nhật thực và nguyệt thực từ trước đến nay, đồng thời mô tả các chu kỳ vận chuyển của các hành tinh. Một trong các chu kỳ có thời gian là 5125 năm sẽ kết thúc vào ngày 21 tháng 12 năm 2012.

Các nhà thiên văn cũng xác nhận rằng ngày ấy là một ngày hí hữu - chỉ xảy ra một lần trong vòng 52.000 năm - mà các hành tinh đều thẳng hàng và có thế gây những tác động rất lớn trên địa cầu, thậm chí nam cực và bắc cực có thể di dời, tạo ra những hiện tượng thiên nhiên khả dĩ phá hủy toàn bộ sự sống hiện nay trên địa cầu.

2. Kinh Dịch: Từ 5000 năm qua, Kinh Dịch khởi sự để bói toán, dần dần trở thành một triết lý, rồi đến một khoa học có thể dự kiến những biến cố trên nhiều lãnh vực. Năm 1999, anh em Terrence and Dennis McKenna đã đưa các qui luật của Kinh Dịch vào vi tính và vẽ ra một biểu đồ về tiến trình lịch sử. Biểu đồ này xác định khá chính xác các biến cố lớn trong lịch sử quá khứ của nhân loại. Biểu đồ này cũng cho thấy rằng vào năm 2012 sẽ có một biến cố tồi tệ nhất chưa bao giờ xảy ra từ trước đến nay.

3. Web-bot: Web-bot (viết tắt của Web Robot) thoạt đầu là một chương trình dùng Robot để tính toán về chứng khoán. Các Robot thu thập hàng trăm ngàn số liệu và dữ kiện thuộc nhiều lãnh vực khác nhau, rồi tính toán và đưa ra những dự kiến về thị trường chứng khoán. Web-bot đã tỏ ra rất chính xác trong lãnh vực này. Từ đó, Web-bot mở rộng phạm vi dự đoán của mình bằng cách thu thập hằng tỉ thông tin khắp nơi và đề ra những dự kiến tương lai cho nhân loại. Các tính toán của Web-bot cũng cho thấy một tai họa khủng khiếp sẽ đến với nhân loại vào năm 1012.

Ngoài ra, người ta còn nói đến các lời tiên tri khác: của trinh nữ Sybille, ở Hy Lạp, cách đây hơn 4000 năm với sách Sybilian Oracles; của thánh Gioan, ở Palestine, vào thế kỷ thứ 1 với sách Khải Huyền; của thánh Malachy, ở Ireland, vào thế kỷ thứ 11 với những lời tiên báo về 112 vị giáo hoàng (mà vị cuối cùng là Đức Bênêđitô XVI); của Nostradamus, ở Pháp, vào thế kỷ 16 với nhiều lời đã được lịch sử kiểm chứng, vv…

Tất cả những thông tin mơ hồ ấy, với cách trình bày khéo léo, sẽ trở thành luận cứ để nhiều người dùng mà chứng minh ‘một cách khoa học’ cho lời ‘bí mật thứ ba’ giả mạo kia.

III. Tận thế đối với mỗi người.

Những dữ kiện trên đây nhằm cho thấy rằng ‘bí mật Fatima thứ ba’ chỉ là một thư spam nếu không phải là tài liệu tào lao. Thế nhưng rồi đây cũng có nhiều người tin tưởng. Không ít người bàn ra tán vào: ‘Ờ biết vậy, nhưng rủi tận thế thật thì sao?’. Tin thì không tin, mà sợ thì vẫn sợ. Vậy thì chúng ta hãy xác định với nhau một điều: Tận Thế sẽ xảy ra. Bất cứ điều gì có một khởi đầu thì sẽ có một chấm dứt. Và thế giới vật chất này không phải là một ngoại lệ. Hẳn là tận thế không xảy ra như lời tiên báo trên slide show ‘Bí mật thứ ba’, hoặc vào ngày 21-12-2012 như lịch Maya xác định, nhưng tận thế chắc chắn sẽ xảy ra. Nó có thể xảy ra một triệu năm nữa nhưng cũng có thể xảy ra ngày mai; vì Chúa phán: “Trời đất sẽ qua đi... về giờ và ngày đó thì không ai biết được, ngay cả các thần sứ trên trời hay cả Người Con (nghĩa là chính Ngôi Hai) cũng không biết; chỉ một mình Đức Chúa Cha biết thôi. (Mt 24, 35-36). Vậy thì không cần phải đoán mò. Điều chắc chắn là tận thế đối với mỗi người đã bắt đầu. Đến năm 2110, thì không một người nào hiện đang sống sẽ còn có mặt trong vũ trụ này: mọi người sẽ lần lượt ra đi, chỉ trước hay sau mà thôi. Đó là điều ta cần suy nghĩ. Khi một người đã bị kết án tử hình thì giờ hành quyết có xảy ra ngay hôm đó hay sau vài tháng, đối với người ấy, cũng thế thôi. Khi con người thực sự hiểu rằng mình không bất tử thì phải suy nghĩ để sống thế nào hầu đối diện với ngày tận cùng của cuộc đời mình. Và đó là lý do vì sao người Công Giáo sống Đức Tin. Nhưng Đức Tin Công Giáo không đặt nền tảng trên sự sợ hãi. Mọi sự đe dọa dưới bất cứ hình thức nào đều đi ngược với Đạo Tình Yêu. Phải mất 3.000 năm để cho Dân Chúa đi từ việc tôn thờ một Yavê thịnh nộ và thẳng tay trừng phạt đến một Thiên Chúa của Đức Kitô, Người Cha nhân từ và sẵn sàng tha thứ. Vậy thì những lời kêu gọi được gán cho Đức Mẹ trên kia đã vẽ lên một bức hí họa về Kitô giáo. Đã có quá nhiều người trên thế gian bôi nhọ Giáo Hội và Thiên Chúa rồi, không cần những người tự xem mình ‘sứ giả của Đức Mẹ’ góp phần nữa, để biến một Tôn Giáo của Yêu Thương, của xả kỷ, của hy sinh, của quên mình, thành một Tôn Giáo của mê tín, của ích kỷ, của sợ hãi, của ngây ngô. Phúc âm từng nhắc đến tận thế, và trước mắt ta nên hiểu đấy là tận thế của từng người. Vì vậy Giáo hội không ngừng kêu gọi ăn năn sám hối; nhưng sám hối để sống mầu nhiệm Tình Yêu, để biến cái thế giới còn bất công này thành một ngôi nhà của những người con cùng một Cha chung và biết đối xử với nhau trong tình huynh đệ, chứ không phải sám hối bằng cách bỏ tiền đi xin lễ, mua nến, mua bình đựng nước thánh với mục đích cho mình sống sót, hoặc ít ra là chuẩn bị một cái ghế hầu an vị ở thế giới bên kia, nếu ‘trời sập’ vào một ngày gần đây.

Xin đừng nhân danh lòng tôn sùng Đức Mẹ mà biến Mẹ thành một ngẫu tượng, biến Đạo Công Giáo thành một tập tục nhảm nhí, biến sứ điệp Tin Mừng thành một thông báo Tin Lo.

Chú thích:

(1) Tài liệu liên quan đến Sứ điệp Fatima của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin:

Tiếng Anh:

http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/documents/
rc_con_cfaith_doc_20000626_message-fatima_en.html

Tiếng Pháp:

http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/documents/
rc_con_cfaith_doc_20000626_message-fatima_fr.html

Gs. Trần Duy Nhiên