Trang

21.12.09

The Church of Nativity


Hang Đá Bê Lem - Nhà Thờ Giáng Sinh
Grotto of Bethlehem - The Church of Nativity


Tọa lạc cách thành phố Jerusalem 8 km về hướng Nam, nhà thờ Giáng Sinh ở Bêlem là một trong những nhà thờ cổ nhất trên thế giới có sinh hoạt liên tục từ lúc xây dựng vào thế kỷ thứ tư đến nay.

Nhà thờ được xây cất ngay trên hang đá Bê lem. Chứng cứ đầu tiên về hang Bê lem được tìm thấy trong quyển sách của ông Justin Martyr viết vào khoảng năm 160.
Năm 327 thánh nữ Helène, mẹ của hoàng đế Constantin I cho xây cất nhà thờ Giáng Sinh.

Năm 529 nhà thờ bị đốt cháy trong cuộc nỗi dậy Samaritan.

Năm 565 hoàng đế Justinian I cho xây dựng lại và tồn tại đến nay.

Khi Bê lem bị người Ba Tư xâm chiếm vào năm 614, viên chỉ huy Shahrbaraz đã không ra lệnh tiêu hủy nhà thờ này vì nhìn thấy hình ba vị Vua phương Đông với trang phục của dân Ba Tư.

Trong các lần chiến tranh với Hồi giáo, nhà thờ đã ngụy trang bằng cách làm cổng vào nhỏ lại và mặt tiền không có vẽ là nhà thờ. Đó là lý do tại sao ngày nay nhà thờ Giáng Sinh không có chút gì uy nghi cao cả.

Có lẽ nhờ thế, nhà thờ Giáng Sinh đã giữ được tinh thần đơn sơ khó nghèo như lúc Chúa sinh ra cách nay 2000 năm!

15.12.09

Nguồn gốc bản nhạc Silent Night

Đêm thánh vô cùng

"Silent night" đã được dịch thành hàng trăm thứ tiếng và được cất lên hàng triệu triệu lần vào những dịp cuối năm.

Bài hát này vang vọng từ những ngôi nhà thờ nhỏ bé ở Andes cho đến những thánh đường hoành tráng ở Antwerp hay La Mã. Ít ai biết được “Silent Night” lôi cuốn bao người có một nguồn gốc kỳ lạ...

Câu chuyện bắt đầu từ 11-12-1792, tại Salzburg , Áo. Cậu bé Joseph Mohr sinh ra trong gia đình một thợ đan nghèo, cha bỏ đi. Đến ở với bà ngoại nghèo khổ túng thiếu, mỗi khi đói rét, Joseph thường lang thang đâu đó để quên đi. Chính những lần cuốc bộ đó đã làm thay đổi cuộc đời cậu và cả cách thức chào đón Noel trên thế giới.

Một lần, Joseph ghé vào một nhà thờ trong làng và gặp ông Johann Hiernle, người chỉ huy dàn hợp xướng. Joseph bắt đầu tham gia sinh hoạt cộng đồng. Nhận thấy tài năng thơ ca, âm nhạc của Joseph, khi cậu đủ tuổi, Hiernle cho cậu vào học tại một trÆ°ờng ngữ văn nổi tiếng tại Kremsmnster. Rồi Joseph tốt nghiệp trường dòng, được phong linh mục khi vừa 23 tuổi. Về một nhà thờ ở miền núi xinh đẹp, Joseph sáng tác rất nhiều bài thơ. Xúc cảm từ một mùa Noel tuyết trắng phủ không khí yên ắng của đất trời trong một buổi sáng nọ,

Joseph ngồi xuống chiếc bàn gỗ và viết một mạch bài thơ ngắn mang tên “Stille Nacht! Heilige Nacht!” (tiếng Anh có nghĩa là “Silent Night! Holy Night!”; tạm dịch “Đêm thinh không! Đêm linh thiêng!).

Rồi Joseph chuyển đến nhà thờ Thánh Nicholas. Đêm trước Noel 1818, cây đàn dương cầm bị hỏng. Không thể để ngày Noel thiếu lễ nhạc, cha Joseph nảy ra ý định cho ca đoàn hát cùng với tiếng đệm guitar. Thời gian cấp bách, ông nhớ lại bài thơ ngắn “Stille Nacht! Heilige Nacht!” và đ » nghị Franz Gruber (người chơi đàn cho nhà thờ) lo phần nhạc, Joseph đệm guitar và hát giọng nam cao, Franz hát giọng trầm và cứ sau mỗi đoạn thì ca đoàn của nhà thờ sẽ hòa chung phần điệp khúc. Vào gần nửa đêm, giáo dân trong vùng tưởng như thường lệ người chơi đàn đại phong cầm tấu lên những bài ca mừng Noel hùng tráng... Nhưng không, chỉ nghe thánh thót luyến láy tiếng đàn guitar nhẹ nhàng nâng giai điệu Silent Night phảng phất âm hưởng dân ca vùng nông thôn nước Áo chầm chậm lan tỏa ra trong tĩnh lặng thinh không của một thời khắc thiêng liêng…. Một Noel thật đáng nhớ.

Sau đó Joseph Mohr được thuyên chuyển đến nơi khác và trong suốt 7 năm sau đó Silent Night đã chẳng bao giờ được cất lên.

Tình cờ một người thợ tên Karl Mauracher đến sửa đàn cho nhà thờ Thánh Nicholas. Sửa xong, Mauracher mời ông Gruber thử đàn. Khi Gruber lướt phím xướng cho đoạn nhạc mở đầu của Silent Night, Mauracher cảm ngay vẻ đẹp bài hát nên xin đem cả nhạc và lời của “Silent Night” về làng Kapfing. Hai gia đình ban nhạc nổi tiếng Rainers và Strassers được mời thưởng thức và liền bị cuốn hút, quyết định đưa bài hát mới vào các lễ hội âm nhạc mừng Noel. Sau đó nhà Strasser đã đưa Silent Night vòng quanh Bắc Âu. Đến năm 1834, họ biểu diễn cho Đức vua Frederick William đệ IV của nước Phổ, quá ấn tượng, vua truyền lệnh ca đoàn của cung đình phải xướng bài hát này vào mỗi dịp Noel.

Gia đình Rainers thì lại sang Mỹ vào năm 1839 và đã biểu diễn Silent Night bằng tiếng Đức ngay tại Đài tưởng niệm Alexander Hamilton ở bên ngoài khuôn viên nhà thờ Trinity của New York . Năm 1863, Silent Night được Jane Campbell và John Young dịch sang tiếng Anh…

Silent Night vẫn được cho là của các thiên tài âm nhạc như Haydn, Mozart, Beethoven. Mãi đến 1995, cuộc tranh luận mới chấm dứt khi người ta tìm lại được bản viết tay của Joseph Mohr. Ngay trên góc trên bên phải của bài nhạc, Joseph viết “Soạn nhạc: Fr. Xav. Gruber”.
(BT góp nhặt)

BÀI HÁT "SILENT NIGHT"

Năm 1817 cha Joseph Mohr, lúc đó mới 25 tuổi, được bổ nhiệm làm linh mục phụ tá tại nhà thờ Thánh Nicholas ở miền Oberndorf nước Áo. Cậu Mohr ngay từ lúc thiếu thời đã say mê âm nhạc, đã được đặt phụ trách âm nhạc tại một nhà thờ nhỏ; có lúc cậu đã sáng tác thơ và đặt lời cho các bài ca trong các nghi lễ đặc biệt tại giáo đường. Khi trở thành linh mục cha Mohr làm việc không biết mệt mỏi trong các công tác từ thiện phục vụ thanh thiếu niên con các gia đình nghèo khó trong vùng.

Mùa đông năm 1818 cha Mohr đang tận lực sửa soạn cho xong thánh lễ giáng sinh, một nghi lễ mà cha đã hoạch định trước cả tháng. Mọi thứ đều đã xong xuôi, từ bài hát cho đến bài giảng. Nhưng lúc cha dọn dẹp thánh đường mới khám phá ra một trở ngại tưởng không thể khắc phục được: đó là chiếc phong cầm của nhà thờ bị hư. Nóng lòng, cha lui cui hàng giờ đánh vật với hàng phím, bàn đạp của chiếc đàn, có lúc bò cả ra phía sau để mong tìm ra chỗ hư hỏng. Bất chấp cả mọi khó nhọc của cha, chiếc đàn vẫn nằm ỳ ra không lên tiếng, im lặng chẳng khác cái im ắng của một đêm đông giá lạnh.

Nhận thấy không thể làm gì hơn được, vị linh mục ngừng lại và cầu nguyện. Cha cầu xin Chúa cho cha có một giải pháp nào để đem được âm nhạc đến với giáo dân trong một ngày lễ có ý nghĩa nhất trong năm. Có lẽ cha đã tìm được đáp ứng cho lời cầu nguyện của cha phát sinh từ những sự việc xảy ra cách đấy gần cả hai năm.

Năm 1816, lúc phục vụ tại một thánh đường tại Mariapfarr, cha Mohr đã viết một bài thơ Giáng sinh. Bài thơ gồm 6 khổ, cha cảm hứng sáng tác trên đuờng đi bộ từ nhà ông nội đến nhà thờ. Tuy có cho vài người bạn bè xem bài thơ, nhưng cha chưa bao giờ nghĩ đến chuyện phổ biến hoặc có ý nghĩ đem ra phổ nhạc. Khi được đổi đến xứ đạo Oberndorf, cha mang theo bài thơ cùng với số vật dụng ít ỏi của cha.
Tìm lại bài thơ “Still Nacht! Heilige Nacht!” trên bàn viết, cha đọc lại lúc này hai năm sau ngày sáng tác. Từ trước đến nay, những vần thơ đó dường như không mấy quan trọng với cha, nhưng lúc này đọc lại, cha thấy dường như Chúa đã cho cha một tia sáng hy vọng. Bỏ bài thơ vào túi áo cha vội vã ra khỏi nhà. Chỉ còn mấy giờ nữa là thánh lễ nửa đêm bắt đầu, vị linh mục băng qua những đường phố đầy tuyết phủ.

Cũng vào buổi chiều hôm đó, Franz Gruber, người giáo viên làng 31 tuổi đang co ro trong căn phòng nhỏ bên cạnh trường học. Mặc dầu đã theo học phong cầm với giáo sư nổi tiếng Georg Hardobler, Gruber cũng chỉ chơi đàn cho nhà thờ St. Nicholas nhỏ bé. Đang miên man với mấy nốt nhạc trên chiếc đàn thì ông ngạc nhiên nghe tiếng gõ cửa và thấy cha Morh bước vào. Ông nghĩ thầm giờ này thì cha đáng lẽ phải ở nhà thờ sửa soạn làm lễ, giờ đâu rảnh mà dạo quanh thăm viếng bạn bè.

Sau câu chúc mừng giáng sinh vội vã, vị linh mục hối hả kéo ông giáo làng tới chiếc bàn nhỏ trong phòng và ra dấu bảo ngồi cạnh mình. Bằng giọng nói rõ ràng là nản chí, cha kể cho ông nghe nỗi khó khăn trước mặt. Sau khi bảo Gruber rằng chiếc đàn không thể sửa được, cha liền đem bài thơ ra và nói:

- Franz, anh xem có thể viết nhạc cho bài thơ này để ca đoàn hát được không? Không có đàn thì ta chơi guitar vậy.

Rồi vị linh mục đưa mắt nhìn đồng hồ trên bàn, nói thêm: Không còn nhiều giờ nữa đâu.

Đọc kỹ bài thơ, Gruber gật dầu. Ánh mắt và nụ cười của ông chứng tỏ ông chấp nhận thử thách đó. Tin tưởng là Chúa đã sắp đặt mọi sự, cha Mohr vội vã băng qua những đường phố ngập tuyết trở về nhà thờ, bỏ lại Gruber một mình ngồi đó với bao nhiêu ý tưởng, trước một chiếc đồng hồ đang tích tắc kêu và một lời cầu mong xin tìm ra hứng khởi.

Mấy tiếng đồng hồ sau hai người gặp nhau tại nhà thờ. Trong ngôi thánh đường có ánh đèn tỏa sáng, Gruber đưa cho vị linh mục coi bản nhạc của mình. Linh mục chấp thuận, dùng đàn guitar gảy lên những nốt nhạc rồi vội vã chuyển cho ca đoàn đang chờ đợi tập dượt. Công trình tưởng chừng phải mất cả tuần lễ thì nay chỉ cần mấy tiếng đồng hồ là xong. Không có nhiều thời giờ tập dượt, cha Mohr và Gruber chỉ dạy được cho ca đoàn phần hòa âm bốn giọng của mỗi hai câu thơ cuối.

Trong thánh lễ nửa đêm, cha Mohr và Gruber đứng trước bàn thờ giới thiệu bản nhạc nhỏ bé và giản dị của hai người. Họ đâu ngờ rằng “Still Nacht! Heilige Nacht!” không chỉ sẽ được nhớ tới vào ngày Giáng sinh năm sau trong ngôi làng bé nhỏ của họ mà còn được ca hát khắp thế giới gần hai trăm năm sau nữa.

Mấy tuần lễ sau ngày tết dương lịch, anh chàng Karl Mauracher chuyên chế tạo và sửa đàn phong cầm ngụ tại vùng thung lũng Ziller, đến nhà thờ St. Nicholas để sửa đàn cho cha Mohr. Trong lúc anh chàng lui cui sửa chữa, cha Mohr đem câu chuyện cha đã dùng đàn guitar để chơi một bản nhạc phổ bài thơ cũ để cứu vãn đêm giáng sinh vừa qua. Cha hát cho anh chàng này nghe bản nhạc đó, tin tưởng là Chúa đã nghe lời cha nguyện cầu. Thích thú vì bản nhạc, anh chàng Karl lấy giấy ghi xuống bài ca và học thuộc lòng các nốt nhạc. Những năm sau, theo với nghề nghiệp phải đi đây đi đó, anh giới thiệu bản nhạc này với nhiều đô thị và thánh đường.

Vào thế kỷ 19, ở nước Áo và nước Đức có nhiều nhạc sĩ du ca. Mỗi nhóm du ca thường gồm các thành viên trong cùng một gia đình thường không chỉ hành nghề ca hát mà còn làm những việc chuyên biệt khác để có tiền chi dụng trong lúc di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Năm 1832, nhóm du ca thuộc gia đình Stasser xuất hiện tại một cộng đồng nhỏ nơi anh chàng Mauracher đang ráp đặt một chiếc phong cầm. Trong thời gian ở đó, nhóm du ca này học được bài “Still Nacht!”. Mấy tuần sau, tại một buổi trình diễn tại Leipzig, nhóm du ca này trình bày bản “Still Natch!” trước một đám thính giả rất đông đến coi hội chợ. Nhận thấy bản nhạc này mang một sứ điệp tinh thần sâu xa, hoàng đế nước Áo William IV truyền cho ca đoàn nhà thờ chính tòa của ông ca bản nhạc này trong nghi lễ giáng sinh hàng năm. Một phần cũng vì lòng ưu ái đó của nhà vua mà nhạc bản này lan tràn ra khắp miền đông Âu rồi tràn qua Anh quốc.

Tháng 12 năm 1839 một nhóm du ca khác thuộc gia đình Rainer tới Nữu Ước. Một phần chương trình của họ là trình bày bản “Still Natch!” bằng Anh ngữ (Silent Night!) trước một cử tọa rất đông đảo tại thánh đường Chúa Ba Ngôi. Bản nhạc trở thành phổ thông và được rất nhiều ca đoàn hát trong các nhà thờ. Vào thời kỳ nội chiến ở Mỹ, bản nhạc “Silent Night” trở thành bài ca giáng sinh phổ biến nhất. Trong trận chiến giữa hai miền nam bắc, không hiếm thấy cảnh ngưng chiến 4 ngày trong dịp lễ giáng sinh, binh sĩ giữa hai miền thù nghịch cùng buông súng, tụ họp lại để dự lễ, đọc Thánh kinh, chia sẻ quà cáp, và cùng ca bài “Silent Night”.

Bài hát càng được phổ biến thì nguồn gốc càng bị phân hóa. Có nhiều lúc các nhà xuất bản gán cho tác giả bản nhạc này là một trong các nhạc sĩ đại tài như Bach, Beethoven hoặc Handel. Chỉ mãi tới khi Franz Gruber gửi tới các báo và các nhà xuất bản bản sao tờ phổ nhạc của mình thì nguồn gốc đích thực mới được công nhận. Mặc dầu vậy, nhiều giai thoại về lời ca của bản nhạc vẫn còn truyền tụng.
Cha Mohr qua đời trong cảnh nghèo khó vào năm 1848 trước khi được công nhận là tác giả bài thơ đuợc phổ nhạc. Cha mất nên không thể chứng minh câu chuyện, do đó mới có truyền thuyết kể rằng bài thơ đã được viết ra vội vã sau khi khám phá thấy rằng chuột đã cắn hại chiếc phong cầm chứ không phải thực ra là chiếc đàn đã quá cũ và bị hư hại vì thời tiết quá lạnh. Truyền thuyết này được nhiều người công nhận, thực ra có vẻ tiểu thuyết hơn là sự thực.

Vào cuối thập niên 1800, bản “Silent Night” đã được phiên dịch ra khoảng hơn 20 ngôn ngữ khác nhau và là nhạc bản không thể thiếu trong các lễ hội giáng sinh trên khắp thế giới. Sang đến thế kỷ 20, nhạc bản này theo với tập tục mừng giáng sinh, đã đi ra khỏi các giáo đường, nhập hội với các tập tục giáng sinh khác.

Vào năm 1905 bản nhạc Silent Night được thu âm lần đầu tiên do ban nhạc Haydn Quartet. Đó mới chỉ là khởi đầu, sau đó bản nhạc đã đuợc thâu âm cả ngàn lần do các ban nhạc khác nhau trên khắp thế giới. Tới năm 1960, Silent Night đuợc công nhận là bản nhạc được ghi âm nhiều nhất trong lịch sử âm nhạc.

Mặc dầu với tính cách phổ thông như vậy, trong tâm trí nhiều người, bản Silent Night được viết ra lúc khởi đầu chỉ là một nhạc bản giản dị, một khúc ngợi ca. Được sáng tác để làm cho nghi thức giáng sinh có ý nghĩa hơn, bản nhạc cũ này vẫn còn mạnh mẽ và tươi mát như lần đầu tiên được hát lên trong ngôi thánh đường nhỏ bé nơi nước Áo xa xôi. Như một lời cầu xin được đáp ứng, Silent Night chỉ với mấy câu thơ ngắn ngủi cũng đủ mô tả được câu chuyện giáng sinh của đấng cứu thế trong máng cỏ nghèo nàn.

30.6.09

MỪNG ‘NĂM LINH MỤC’




TẠI SAO CHÚA CHỌN CON
(Linh Mục Anphong Trần Đức Phương)





Nhân dịp kỷ niệm 150 năm Cha Thánh Gioan Baotixita Maria Vianney qua đời (1859-2009), vào ngày lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu (19/6/2009), Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI đã long trọng tuyên bố khai mạc NĂM LINH MỤC.



Năm Linh Mục sẽ kéo dài từ ngày 19/6/2009 đến ngày 19/6/2010, để mỗi người chúng ta có thể dành nhiều thời giờ hơn suy gẫm về sự cao trọng của Bí Tích Truyền Chức Thánh và Chức Linh Mục. Cũng là năm đặc biệt để chúng ta dâng nhiều hãm mình, hy sinh cầu nguyện xin ơn thánh hóa cho bao nhiêu linh mục đang âm thầm phục vụ Chúa và Dân Chúa cũng như toàn thể nhân loại ở khắp nơi trên thế giới. Đồng thời cũng là năm để các Linh mục cầu nguyện, suy gẫm và sống chức Linh Mục của mình trong cuộc sống bận rộn hàng ngày, trong nhiều chức vụ khác nhau mà Chúa đã trao ban. Cũng còn là năm để cổ động ơn gọi Linh Mục nơi giới trẻ.

Dù đã sống khá lâu trong cuộc đời Linh Mục, nhưng tôi vẫn luôn đặt câu hỏi “Tại Sao Chúa Chọn Con… dù con chỉ là một con người tầm thường, hèn yếu và nhiều khuyết điểm!” Đó cũng là câu hỏi có thể đặt ra với mỗi linh mục của Chúa: Tại sao Chúa đã gọi và chọn con? Cũng như tại sao Chúa đã chọn Phêrô, và các Tông Đồ, dù các Ngài cũng chỉ là những con người yếu đuối; như Phêrô đã chối Thày tới ba lần. Trong số 12 ông, lại có Giuđa bán Chúa! Tại sao Chúa chọn Phaolô, một kẻ điên cuồng chống Chúa và Giáo Hội Chúa lúc ban đầu (Công Vụ 8: 3). Tại sao Chúa đã chọn Augustinô, dù rất thông thái, nhưng lúc ban đầu là một người vô thần? Tại sao Chúa chọn Charles de Foucauld, một sĩ quan đầy tương lai trong quân đội Pháp đã ‘bỏ đạo’ và đang sống cuộc đời thác loạn? Mới đây lại chọn một đảng viên cộng sản Trung Quốc để trở nên một ‘Linh Mục chui’ với cái tên “Cha Bao”. Tại sao Chúa gọi và chọn lên chức Linh mục những người thật thông thái: những nhà bác học, khoa học, triết gia nổi danh như Gregor Mendel (1822-1844), Pierre Teihard de Chardin (1881-1955), George Lemaitre (1894-1966), Stanley L. Jaki (1924-2009), Michal Heller (1936) v.v… Trong khi cũng gọi và chọn Gioan Vianney, trí khôn rất bình thường.

Trong ‘Năm Linh Mục’, Đức Gíao Hoàng muốn chúng ta đặc biệt suy gẫm cuộc đời của cha Gioan Baotixita Maria Vianney (1786-1859) thường được gọi là Cha Sở xứ Ars (Cure d’Ars), là một Linh Mục, một Cha Xứ gương mẫu và là Bổn Mạng các Linh Mục, đặc biệt các Cha Xứ.

Cha Vianney sinh ngày 8/5/1786, trong một gia đình đạo hạnh, tại Dardilly (gần Lyon, Pháp) và lớn lên đúng vào thời kỳ Giáo Hội tại Pháp gặp những bách hại khủng khiếp do cuộc Cách Mạng Pháp (1789-1799). Cuộc Cách Mạng này khởi đầu vào lúc Vianney mới được 5 tuổi. Trong thời kỳ này, nhiều giáo sĩ và tu sĩ bị bắt đi tù đày hoặc giết chết, nhiều dòng tu, xứ đạo bị đóng cửa. Nhà thờ xứ đạo quê hương của Vianney cũng bị đóng cửa; nhưng cả gia đình vẫn kiên tâm giữ vững Đức Tin và sống đời sống đạo đức, bác ái. Khi lớn lên, Vianney có dịp gặp gỡ nhiều linh mục còn sống sót sau cuộc bách hại, và sống Đức Tin thật mạnh mẽ. Các ngài cùng chung tay xây dựng lại Giáo Hội Pháp từ những đổ nát sau cuộc Cách Mạng. Noi gương sáng của các linh mục này, Vianney cảm thấy muốn đi tu làm Linh Mục, và xin vào Chủng viện. Vì tuổi đã hơi lớn, và không được học hành nhiều, trí khôn lại hơi kém, nên Vianney đã gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian tu học. Nhưng bù vào, Vianney có một Đức Tin mạnh mẽ và lòng đạo đức sâu xa. Cuối cùng nhờ ơn Chúa, Vianney cũng vượt qua được mọi trở ngại, khó khăn và chịu chức Linh Mục vào ngày 13/8/1815 tại Grenobe. Sau một thời gian lam phó xứ, Cha Vianney được bổ nhiệm về làm Cha sở xứ Ars (gần Lyon) từ năm 1918. Lúc đó, xứ Ars là một xứ đạo miền quê, nghèo nàn, và tinh thần đạo đức bị sút giảm vì những năm Cách Mạng Pháp. Lúc đầu, Cha Vianney cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc mục vụ cho giáo dân ở đây. Cha cố gắng dành nhiều thời giờ đi thăm viếng các gia đình, giúp đỡ các cô nhi, qủa phụ, các nguời nghèo khó trong xứ đạo. Cha cũng dành nhiều thời giờ dạy giáo lý cho trẻ em. Những thời giờ còn lại, Cha vào Nhà Thờ để cầu nguyện với Chúa Giêsu Thánh Thể. Cha cũng siêng năng cầu nguyện với Đức Mẹ Maria qua tràng Chuỗi Mân Côi mà Cha luôn mang theo trong người hoặc trên tay. Nhờ kiên trì hãm mình , cầu nguyện và sống khiêm nhường, Cha Vianney đã biến xứ đạo này trở nên một xứ đạo nhiệt thành, sốt sáng.

Cha Vianney đã sống gần suốt cuộc đời Linh Mục ở đây và lòng đạo đức, tinh thần hy sinh cũng như sự tận tụy phục vụ giáo dân, đã làm cho danh tiếng của Cha lan tràn đến các xứ đạo lân cận, rồi đến khắp nơi trên nước Pháp và các quốc gia khác. Nhiều người từ các nơi, kể cả nhiều vị giảng thuyết nổi tiếng tại Pháp lúc đó, như Cha Henry Lacordaire, cũng đến nghe Cha Vianney giảng. Những bài giảng của Cha tuy đơn sơ, dễ hiểu, nhưng rất đạo đức, phát xuất từ đời sống nội tâm sâu xa. Cha Vianney đã sống những lời Cha giảng cho dân chúng, nên đánh động rất nhiều tâm hồn. Nhiều người đã tìm lại được Đức Tin khi nghe Cha giảng, và đến bàn việc thiêng liêng cũng như xưng tội với Cha.

Vào khoảng 10 năm cuối đời của Cha Vianney, hàng năm có tới 20 ngàn người (trong đó có cả những Giám mục, Linh mục, Tu sĩ nam, nữ) đến nghe Cha giảng, xưng tội, bàn việc thiêng liêng. Mỗi ngày Cha phải ngồi Tòa Giải Tội ít nhất là 12 tiếng đồng hồ, có khi 16 tiếng. Chỉ vào đêm khuya, Cha mới trở vào nhà xứ và ăn mấy củ khoai luộc sẵn, sau đó nghỉ đêm ít giờ, để rồi lại thức dậy từ sáng sớm đọc sách nguyện, suy gẫm, dâng Thánh Lễ và bắt đầu một ngày mới đầy bận rộn. Có những lần Đức Giám Mục muốn thuyên chuyển Cha, nhưng giáo dân quyết tâm xin giữ Cha lại. Chính Cha Vianney cũng đã có nhiều lần muốn rời bỏ giáo xứ để sống đời chiêm niệm; nhưng theo ý Chúa, Cha đã tiếp tục phục vụ tại đây cho đến khi được Chúa gọi về để thưởng công trên Nước Chúa vào ngày 4/8/1859. Đức Giáo Hoàng Pio XI đã suy tôn Ngài lên bậc Hiển Thánh vào năm 1925. Ngài thật là một mẫu gương Linh mục tuyệt vời, đúng là Thánh Bổn Mạng của các Linh Mục, nhất là các Linh Mục phục vụ tại các giáo xứ.

Trong năm thánh hóa các Linh Mục này, chúng ta hãy dâng nhiều hy sinh, hãm mình cầu xin Chúa Giêsu Linh Mục Thượng Phẩm đời đời, ban ơn thánh hóa, gìn giữ và nâng đỡ các Linh Mục của Chúa đang hoạt động khắp nơi trên thế giới; đặc biệt các Linh Mục đang gặp nhiều khó khăn, thử thách, đang bị tù đày tại những nơi mà Giáo Hội đang bị bách hại cách này hay cách khác.

Có nhiều “Kinh Cầu cho các Linh Mục”, và nhiều nhà thờ thường đọc vào trước giờ Thánh Lễ để xin ơn thánh hóa cho các Linh Mục. Nhiều gia đình cũng đọc vào giờ Kinh Tối. Chúng tôi xin gửi đến qúy vị một kinh sau đây:

KINH CẦU CHO CÁC LINH MỤC
Lạy Chúa Giêsu, là LINH MỤC ĐỜI ĐỜI,
Chúa đã dùng tay các vị Giám mục mà thông ban bảy ơn Thánh Thần Chúa để thánh hóa các Linh mục.
Chúa là mẫu gương độc nhất và sáng tỏ cho hàng Linh mục noi theo.
Xin in sâu người mẫu vào tâm hồn các Linh mục để các Linh mục được trở nên những vị Kitô-thứ-hai của Chúa.
Xin Chúa cho các Linh mục sống theo ánh sáng Đức Tin chỉ dẫn và bất cứ trong cảnh ngộ nào hằng tin vào quyền năng vô cùng của Chúa, biết sống nội tâm, siêng năng cầu nguyện, lấy Mình Máu Thánh Chúa và Phúc Âm làm của ăn nuôi sống hằng ngày.
Xin cho các Linh mục thật lòng mến Chúa, và yêu thương mọi người, hy sinh đời sống mình vì kẻ khác, luôn luôn nêu gương mẫu khiêm nhường, khó nghèo, hiền hòa và trong sạch, để mọi người nhìn thấy Chúa Giêsu trong các Linh mục.
Xin cho các Linh mục trìu mến và vâng phục Cha chung là Đức Giáo Hoàng, thành tâm cộng tác với Đức Giám mục là đấng kế vị các Thánh Tông Đồ, luôn luôn đoàn kết với các anh em Linh mục trong việc mở mang nước Chúa.
Xin cho các Linh mục là những chủ chăn nhiệt thành săn sóc đoàn chiên Chúa tìm kiếm những chiên thất lạc chăm nom những chiên bệnh hoạn chữa lành những chiên đau yếu nuôi dưỡng chiên trong đồng cỏ xanh tươi của Chúa.
Xin cho các Linh mục là cha chung đáng quý mến của mọi gia đình Cộng đoàn hướng dẫn giáo dân trong tình phụ tử lấy Phụng vụ và Lời Chúa làm của ăn nuôi dưỡng Cộng đoàn, để mọi người trong Cộng đoàn hăng say cộng tác xây dựng nước Chúa.
Lạy MẸ MARIA,
là Mẹ hàng giáo sĩ xin cho hàng giáo sĩ hằng yêu mến Mẹ.
Xin Mẹ nâng đỡ Linh mục khi có ai yếu đuối ủi an khi sầu khổ khuyến khích khi thua buồn, để các ngài luôn luôn phấn khởi làm tròn nghĩa vụ Linh mục.
Amen.

17.4.09

THÔNG ĐIỆP LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA





















THÔNG ĐIỆP LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA
THEO CUỐN TÌNH THƯƠNG NƠI LINH HỒN TÔI
Thánh Faustina Kowalska
(trích dịch một phần của thông điệp)

Năm 1931, Chúa hiện ra với thánh nữ Faustina trong một thị kiến. Thánh nữ nhìn thấy Chúa Giêsu mặc một chiếc áo trắng với cánh tay phải giơ lên như đang chúc lành. Tay trái của Ngài đụng vào áo nơi trái tim, nơi mà hai ánh sáng chiếu tỏa ra, một tia màu đó và một tia màu trắng lạt. Thánh nữ nhìn không chớp mắt thẳng vào Chúa trong thinh lặng, linh hồn thánh nữ tràn ngập lòng kính sợ, nhưng cũng tràn đầy niềm vui khôn tả. Chúa Giêsu nói với thánh nữ:

Hãy vẽ một bức ảnh theo mẫu thức mà con nhìn thấy, kèm theo giòng chữ: Lạy Chúa Giêsu, con tin tưởng nơi Ngài. Cha mong ước bức ảnh này được tôn kính, trước hết, tại nguyện đường của con, sau đó, ở khắp nơi trên thế giới. (số 47)

Cha hứa là, linh hồn nào tôn kính bức ảnh này sẽ không bị hư mất. Cha cũng hứa cho linh hồn thắng được các kẻ thù ngay khi còn sống trên thế gian, nhất là trong giờ lâm tử. Chính Cha sẽ bảo vệ linh hồn ấy như là bảo vệ vinh quang của riêng Cha. (số 48)

Khi con nói điều này với cha giải tội của con, con nhận được câu trả lời thế này: "Điều ấy có ý chỉ về linh hồn của con". Người bảo con là: "Đúng đấy, hãy vẽ hình ảnh Thiên Chúa trong linh hồn của con". Ra khỏi toà giải tội, con lại nghe thấy những lời như sau:

Hình ảnh của Cha đã sẵn có nơi linh hồn con rồi. Cha mong có một Lễ Kính Lòng Thương Xót. Cha muốn bức ảnh mà con vẽ bằng cây cọ này phải được long trọng làm phép vào ngày Chúa Nhật Thứ Nhất sau Lễ Phục Sinh. Ngày Chúa Nhật này phải là ngày Lẽ Kính Lòng Thương Xót. Cha ước mong các linh mục loan truyền tình thương vĩ đại này của Cha cho các linh hồn những tội nhân. Để tội nhân đừng sợ tiến đến với Cha. Những ngọn lửa tình thương đang nung nấu Cha - bừng bừng muốn toé ra, Cha muốn tuôn đổ những ngọn lửa tình thương này xuống trên các linh hồn ấy. (số 49)

Cha muốn bức ảnh này (như Chúa muốn đã được đề cập đến ở số 47) phải được trưng bày nơi công cộng vào ngày Chúa Nhật thứ nhất sau Lễ Phục Sinh. Chúa Nhật này là Lễ Kính Lòng Thương Xót. Nhờ Ngôi Lời Nhập Thể, Cha tỏ vực sâu vô đáy của tình thương Cha ra. (số 88)

Hỡi con gái của Cha, hãy nhìn vào vực thẳm của tình thương Cha để chúc tụng và tôn vinh tình thương này của Cha. Con hãy làm như thế này: Hãy tụ họp tất cả các tội nhân từ khắp nơi trên thế giới lại, dìm họ vào vực thẳm của tình thương Cha. Con gái của Cha ơi, Cha muốn ban mình Cha cho các linh hồn, Cha khao khát các linh hồn. Vào ngày lễ của Cha, Lễ Kính Lòng Thương Xót, con sẽ đi khắp thế gian mà mang các linh hồn mệt nhược về suối nguồn của tình thương Cha. Cha sẽ chữa lành và tăng sức cho họ. (số 206)

Có một lần, cha giải tội của con bảo con hỏi Chúa Giêsu về ý nghĩa của hai tia sáng trong bức ảnh, con trả lời với ngài là: "Dạ vâng, con sẽ hỏi Chúa". Đang khi cầu nguyện, con đã nghe thấy trong con những lời này:

Hai tia sáng biểu hiệu cho Máu và Nước. Tia sáng nhạt là biểu hiệu của Nước, để làm cho các linh hồn nên công chính. Tia sáng đỏ là biểu hiệu của Máu, để ban sự sống cho các linh hồn... Hai tia sáng này phát xuất từ những thẳm sâu nhất của tình thương êm ái Cha, lúc mà Trái Tim đau thương của Cha bị lưỡi đòng chọc mở ra trên cây Thánh Giá.

Những tia sáng này bao che các linh hồn cho khỏi cơn thịnh nộ của Cha Cha. Phúc cho kẻ nào được ẩn náu trong những tia sáng này, vì bàn tay công thẳng của Thiên Chúa sẽ không giáng xuống trên họ. Cha mong ước ngày Chúa Nhật thứ nhất sau Lễ Phục Sinh là ngày Lễ Kính Lòng Thương Xót. (số 299)

Ngày 5-11-1934. Buổi sáng hôm ấy, theo phận sự, con mở cổng để người đưa các món ăa nướng ra, sau đó, con ghé vào nhà nguyện nhỏ viếng Chúa Giêsu một chút, để lập lại những ý nguyện trong ngày. "Lạy Chúa Giêsu, hôm nay con xin dâng lên Chúa tất cả mọi chịu khó, hãm mình và cầu nguyện của con, theo ý chỉ của Đức Thánh Cha, để ngài có thể chuẩn nhận Lễ Kính Tình Thương. Thế nhưng, Chúa Giêsu ơi, con còn một điều nữa xin thưa cùng Chúa là: con rất lấy làm lạ, vì Chúa cứ ép con phải nói về Lễ Kính Tình Thương này, trong khi các Ngài nói với con là đã có một lễ như thế rồi, nên con phải nói đến lễ này làm gì nữa?"